Thành ngữ là gì? Đặc điểm của thành ngữ? Phân biệt thành ngữ và tục ngữ dựa trên yếu tố nào? Cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Table of Contents
Thành ngữ là gì?
Thành ngữ là tập hợp từ cố định được sử dụng để chỉ một ý nghĩa hoàn chỉnh nào đó. Thành ngữ không tạo thành một câu có ngữ pháp đầy đủ và nghĩa của cụm từ đó không thể giải thích bằng nghĩa của các từ tạo thành nó. Thành ngữ không đưa ra những nhận xét, những bài học kinh nghiệm hay sự phê phán sự vật, sự việc nào mà chỉ thường mang những ý nghĩa thẩm mỹ cho ngôn ngữ.
Ví dụ như thành ngữ “mặt hoa da phấn” dùng để chỉ vẻ đẹp yêu kiều của người phụ nữ một cách bóng bẩy, tuyệt nhiên không mang hàm ý nhận xét hay một sự phê phán nào.
Thành ngữ giúp sự diễn đạt sống động, có hình ảnh (chức năng thẩm mỹ) chứ không cho ta sự hiểu biết hay một bài học nào về các sự vật, sự việc trong cuộc sống (chức năng nhận thức và chức năng giáo dục trong văn bản).
Đặc điểm của thành ngữ
Cấu tạo của thành ngữ
Có thể phân loại cấu tạo của thành ngữ qua nhiều cách. Chẳng hạn như dựa trên số lượng từ hay kiểu tổ hợp từ.
Về số lượng, thành ngữ có các loại như sau:
- Thành ngữ kết cấu 3 tiếng: “Nhanh như chớp”, “Cứng như đá”,…
- Thành ngữ kết cấu 4 tiếng: “Ao sâu cá cả”, “Chín người mười ý”,…
- Thành ngữ kết cấu từ 5 – 6 tiếng: “Bụt chùa nhà không thiêng”, “Mèo mù vớ cá rán”,…
- Thành ngữ kết cấu từ 7 – 10 tiếng: “Cái kim trong bọc lâu cũng có ngày lòi ra”, “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”,…
Về kết cấu, đa phần những thành ngữ có kết cấu 3 tiếng sẽ là sự kết từ một từ đơn và một từ ghép như tạo thành một cụm từ. Có khi thành ngữ được kết cấu từ hai từ ghép hoặc bốn từ đơn. Ví dụ như “Ác giả ác báo”, “Phong ba bão táp”,…
Bên cạnh đó, có những thành ngữ là sự kết hợp giữa láy ghép như “Ăn bớt ăn xén”,…
Đặc điểm của thành ngữ
Thành ngữ là cụm từ có tính hình tượng cao, được xây dựng dựng trên những hình ảnh cụ thể từ những sự vật và sự việc.
Thành ngữ có tính khái quát và hàm súc cao. Tuy nhiên, nghĩa của thành ngữ không dựa vào những từ đã tạo nên mà thành ngữ mang ý nghĩa rộng hơn, khái quát hơn và mang được sắc thái biểu cảm cho văn bản.
Cách phân biệt thành ngữ và tục ngữ chi tiết
Thành ngữ và tục ngữ là hai khái niệm rất dễ nhầm lẫn. Ta có thể phân biệt chúng dựa trên 2 tiêu chí như sau:
Sự khác nhau về hình thức:
Tục ngữ là một câu hoàn chỉnh, thành ngữ chỉ là cụm từ, chưa thành câu.
Tuy cả hai loại đều có vần hoặc không, có nhịp điệu hoặc không nhưng tục ngữ thường sẽ là một câu nói ngắn gọn, còn thành ngữ chỉ là cụm từ. Vì vậy, khi gọi là “câu thành ngữ” là chưa đúng.
Sự khác nhau về nội dung:
Tục ngữ thường diễn đạt trọn vẹn một ý như một câu nhận xét, một sự đánh giá, một kinh nghiệm, một phong tục tập quán, một chân lý nhằm giáo dục khuyên răn, hướng dẫn con người trong ứng xử, cuộc sống; còn thành ngữ, chưa diễn đạt một ý trọn vẹn, chỉ đề cập đến một khái niệm và dường như chỉ là một thành phần của câu.
Có thể nói, thành ngữ là một đơn vị thuộc lĩnh vực ngôn ngữ, còn tục ngữ thuộc lĩnh vực văn học.
Tục ngữ có thể dùng độc lập như “Có công mài sắt, có ngày nên kim” còn thành ngữ chỉ là một vế câu nên thường dùng để tạo câu, chêm xen vào trong câu nói để tăng tính biểu cảm. Ví dụ như: “Chúc hai bạn sống với nhau đến “răng long đầu bạc” để câu chúc thêm ấn tượng hơn.
Thành ngữ là gì và phân biệt thành ngữ với tục ngữ như thế nào đã được chia sẻ một cách đầy đủ và chi tiết. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết. Chúc bạn học tốt!